Huyện Long Hồ hỗ trợ hơn 16,2 tỷ đồng cho nhà vườn dập dịch chỗi rồng trong đợt 1
Trước tình hình dịch bệnh dịch bệnh chổi rồng lây lan trên diện rộng và gây hại nghiêm trọng, tính từ năm 2012 đến tháng 2 năm 2015, Ban chỉ Đạo phòng chống dịch bệnh huyện Long Hồ đã chi hỗ trợ hơn 16,2 tỷ đồng cho bà con nhà vườn để dập dịch chổi rồng trên cây nhãn.

Chi phí hỗ trợ cho nhà vườn trên bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật và tiền công cắt tỉa. Ngoài ra, để giúp nhà vườn quản lý bệnh chổi rồng đạt hiệu quả cao, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện còn phối hợp triển khai 17 mô hình điểm về quản lý dịch bệnh chổi rồng trên nhãn; tổ chức 105 cuộc tập huấn về biện pháp phòng trị bệnh chổi rồng; mở 28 lớp bác sĩ cây trồng với hơn 3500 lượt nông dân và cấp phát khoảng 20.000 tài liệu, tờ bướm nhằm giúp cho nhà vườn hiểu tác nhân rây bệnh và cách phòng trừ hiệu quả. Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện công tác dập dịch chổi rồng trên cây nhãn trong giai đoạn từ 2012 đến 2015 chưa đạt hiệu quả cao do giá cả đầu ra từ cây nhãn luôn ở mức thấp, không ổn định, không đủ chi phí chăm sóc nên nhà vườn không mạnh dạn đầu tư cho vườn nhãn làm cho cây nhãn ngày càng suy kiệt, tạo điều kiện cho bệnh phát triển và lây lan ra diện rộng; Các nhà khoa học chưa tìm ra được tác nhân gây bệnh; Do cây nhãn trên địa bàn huyện Long Hồ ở tuổi trung bình từ 15 đến 20 năm nên việc cắt tỉa gặp nhiều khó khăn, không đồng loạt tạo điều kiện cho dịch bệnh lưu tồn; Đối với diện tích nhỏ lẻ phân tán nhà vườn chưa quan tâm cắt tỉa, phun thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến dịch bệnh phát tán.
Tính đến cuối tháng 2 năm 2015 trên địa bàn huyện Long Hồ có hơn 4,2 ngàn ha nhãn, giảm 14 ha so với thời điểm trước khi ra quân dập dịch chổi rồng vào năm 2012, trong diện tích bị nhiễm bệnh chổi rồng hơn 3 ngàn ha, diện tích đốn bỏ chuyển sang cây trồng khác hơn 1,1 ngàn ha. Trong số diện tích nhiễm bệnh chổi rồng có gần 1 ngàn ha nhiễm bệnh dưới 30%; hơn 700ha nhiễm từ 30 đến 70% và hơn 1,3 ngàn ha nhiễm từ 70% trở lên.
Hoàng Quân